Tin mới

Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày

Nikon Df có thiết kế đẹp, tuy nhiên khi sử dụng lại không mang lại hiệu quả tương xứng với mức giá bỏ ra.

Ra mắt vào cuối năm 2013 nhưng Nikon Df được thiết kế với dáng vẻ giống như những chiếc máy film Nikon FM từ thời cha ông của nó. Máy sử dụng cảm biến ảnh full-frame với ký hiệu FX quen thuộc của Nikon, độ phân giải là 16 megapixel, chip xử lý Expeed 3. Tâm điểm của Nikon Df nằm ở trên đỉnh máy, ở đây, tất cả các thiết lập thông số được thay thế điều chỉnh bằng các bánh xe. Người dùng có thể vặn, nhấn, chọn các để thay đổi các thông số từ tốc độ màn trập, ISO, khẩu độ đến bù trừ phơi sáng. Đi kèm là một màn hình phụ đơn giản hiển thị thông số tốc độ chụp và khẩu độ hiện tại của ống kính. Kích thước của Nikon Df là 143,5 x 110 x 66,5 mm (5,6 x 4,3 x 2,6 inch) tương đương với sản phẩm D600/D610. Thân máy Nikon Df làm bằng hợp kim ma-giê, máy được gia công khá kín giúp nó có khả năng chống chịu thời tiết và bụi. Trọng lượng tính riêng body là 710g.

Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày ảnh 1

Thiết kế

Mặt trước và mặt trên của máy Nikon Df là một vẻ đẹp hoài cổ, với khung ngắm gù nhô cao và logo quen thuộc của Nikon trên các body máy film khổ 35mm cũ. Các bánh xe điều chỉnh thông số cũng được thiết kế rất đẹp. Mặt sau của máy không được như thế mà vẫn còn khá nhiều nút bấm theo phong cách kỹ thuật số, tuy nhiên điều này là không tránh khỏi. Nhìn chung, máy có thiết kế độc, đẹp, đem lại cảm giác “tân cổ giao duyên”. Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày ảnh 2 Thiết kế của Nikon Df đẹp và độc so với các máy ảnh DSLR. Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày ảnh 3

Khung của máy được làm bằng hợp kim magie rất mạnh mẽ, chắc chắn.

Tính năng

Thừa hưởng từ Nikon D4, Df sử dụng cảm biến full-frame độ phân giải 16 megapixel, chip xử lý Expeed 3. Sẽ không có gì đáng nói nếu 2 chiếc máy này ra mắt cùng một thời điểm hoặc cách nhau không lâu, tuy nhiên Nikon Df ra mắt sau Nikon D4 những 2 năm trời, đó là một khoảng thời gian quá dài đủ khiến công nghệ của sản phẩm ra sau phải vượt trội hơn hẳn sản phẩm từ thế hệ trước. Cũng tại thời điểm Nikon Df ra mắt, độ phân giải 16 megapixel trên một sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp là điều mà giới nhiếp ảnh gia rất khó chấp nhận. Độ phân giải này là thấp nhất trong các máy ảnh sử dụng cảm biến Fullframe ra mắt trong 1-2 năm trở lại đây, thậm chí còn thấp hơn cả một số máy ảnh khác thuộc phân khúc entry-level, chắc chắn những nhiếp ảnh gia chụp ảnh quảng cáo hay thường xuyên in ấn sẽ không ấn tượng với sản phẩm này của Nikon. 

Điểm vớt vát về tính năng của sản phẩm này là ở hệ thống lấy nét, Nikon Df thừa hưởng hệ thống lấy nét từ Nikon D610. Người dùng có thể tha hồ tận hưởng và tự do bố cục nhờ hệ thống lấy nét tự động (AF) 39 điểm của Df. Máy cũng có một loạt các chế độ AF như lấy nét theo vùng cố định, vùng chuyển động, đơn điểm, theo dấu 3D và tự động chọn vùng. Nikon Df đảm bảo lấy nét nhanh trong một phạm vi lớn, ngay cả với những đối tượng đang di chuyển. Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày ảnh 4

Hệ thống AF trên Nikon Df được đánh giá cao.

Cơ cấu hoạt động

Mặc dù Nikon Df được thiết kế rất đẹp nhưng với thiết kế như vậy thì việc bố trí các chi tiết điều khiển trên thân máy lại đem đến cảm giác khó chịu cho người sử dụng. Đầu tiên là bánh xe điều khiển ở mặt trước được Nikon thiết kế rất mỏng, chỉ nổi lên khỏi thân máy chừng vài millimét. Thêm nữa, ở ngay kế bên bánh xe này Nikon lại bố trí chỗ gắn dây đeo, dễ làm vướng tay người sử dụng khi thao tác với bánh xe đó. Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày ảnh 5

Bánh xe ở mặt trước rất khó điều khiển.

Báng cầm của Nikon Df được gọt nhỏ lại và làm vuông góc. Vì vậy, thao tác với bánh xe ở mặt trước trong khi vẫn cầm nắm chắc chắn chiếc máy này là điều không thể đối với người sử dụng. Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày ảnh 6

Rất khó để điều khiển Nikon Df bằng một tay.

Điểm khó chịu thứ hai đến từ bánh xe thiết lập giá trị bù trừ sáng EV. Trong nhiếp ảnh, thao tác bù trừ EV là một thao tác rất quan trọng để nhiếp ảnh gia có thể không phụ thuộc vào bất kỳ một chế độ đo sáng nào mà vẫn có được ánh sáng như đúng ý mình muốn. Vì tầm quan trọng của nó nên thao tác này thường được ưu tiên làm sao để sử dụng nhanh, chính xác và thuận tiện nhất có thể. Tuy nhiên, với Nikon Df thì điều này không được hãng quan tâm. Nikon đã bỏ thêm vào bánh xe bù trừ EV một chi tiết là nút bấm ở chính giữa, nút bấm này chẳng có giá trị gì ngoài việc gây phiền phức cho người sử dụng, bởi khi muốn vặn bánh xe để thay đổi giá trị bù trừ EV phải đồng thời bấm và giữ nút này.

Một điểm khó chịu nữa mà Nikon Df mang lại là ở nắp đậy pin, để mở nắp đậy pin của chiếc máy này người sử dùng phải xoay một cái chốt rất nhỏ. Với những người có ngón tay bé thì không sao, nhưng ngược lại, việc mở nắp pin của Nikon Df thực sự là một thử thách. Ngoài ra, nắp pin này cũng không có cơ chế tự bung ra khi mở chốt nên thao tác thay pin trong khi lật ngửa máy sẽ rất vướng víu.

Chi phí

Tại Việt Nam, Nikon có giá khoảng 55 triệu cho riêng thân máy, ở một số nơi trên thế giới như Nhật Bản mức giá có rẻ hơn. Tuy nhiên, bỏ ra một số tiền lên đến hơn 50 triệu để mua chiếc máy này thực sự là lãng phí.

Giá trị

Sở dĩ nói việc chi tiền để mua Nikon Df là lãng phí là bởi vì chiếc máy này không đem lại giá trị tương xứng cho người sở hữu nó. Vì sao Nikon Df trở thành chiếc máy ảnh chỉ nên trưng bày ảnh 7 Nếu quan tâm đến nhiếp ảnh theo cách chính thống, tức là sử dụng máy ảnh chỉ với tác dụng chính là công cụ để tạo ra hình ảnh, bạn có thể chọn được những sản phẩm tốt hơn gấp nhiều lần với mức giá tương đương hoặc thậm chí còn thấp hơn.

Còn nếu quan tâm đến vẻ bề ngoài, muốn một chiếc máy ảnh với vẻ cổ điển, hoặc là người hoài niệm về các đời máy phim, có lẽ nên mua ngay một chiếc máy chụp phim để tận hưởng niềm vui một cách trọn vẹn. 

Kết luận

Với những gì Nikon Df có cùng giá trị mà nó đem lại, chiếc máy này hoàn toàn không thích hợp để sử dụng và có lẽ chỉ nên để trong tủ kính như một sản phẩm trưng bày.

Việt Đức