Tin mới
Vì sao thẻ nhớ đang bị smartphone “bỏ rơi“?
iPhone không trang bị, còn Android đa số đều nâng cấp bộ nhớ trong lên mức 3 con số. Do đó, không lạ khi ngày càng có ít người dùng thẻ nhớ cho smartphone.
Vì iPhone chưa bao giờ có bộ nhớ mở rộng
Từ thế hệ đầu tiên tới nay, trải qua 13 năm, Apple chưa bao giờ nghĩ tới chuyện trang bị bộ nhớ ngoài cho iPhone. Lý do được đưa ra là để bảo mật, cũng như đảm bảo sự liền lạc của những chiếc iPhone. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng thực tế lại rất vô lý bởi các smartphone Android hầu hết luôn có lựa chọn bộ nhớ mở rộng. Mặt khác, Apple cũng không hề hào phóng, nếu không muốn nói có phần “ky bo” khi suốt trong một thời gian dài luôn bán những chiếc iPhone với dung lượng bộ nhớ trong rất hạn chế. Từ thế hệ iPhone đầu tiên, mất đúng 10 năm người dùng mới được sử dụng những chiếc iPhone có bộ nhớ tổi thiểu từ 32 GB.
Người dùng phải đợi 10 năm để được dùng những iPhone có bộ nhớ tối thiểu 32GB
Năm 2017, iPhone 8 và iPhone X được nâng cấp lên bộ nhớ tối thiểu là 64GB. Nhưng đến iPhone 11, bộ nhớ này vẫn không thay đổi. Và ngay cả khi chiếc SE 2020 ra đời, vẫn duy trì mức bộ nhớ tối thiểu này. Cũng vì thế nên nhiều người có muốn khám phá hết sức mạnh của iPhone cũng phải e dè với bộ nhớ quá nhỏ. Ví dụ, 1 phút quay film 4K với 60 khung hình mỗi giây trên iPhone XS Max sẽ ngốn hết 400 MB, 10 phút là 4GB và 100 phút là hết 40 GB. Với 64 GB bộ nhớ trong thì bộ nhớ khả dụng chỉ được hơn 50GB, chắc chắn sẽ không đủ nếu bạn là người thích quay film, chụp ảnh, chơi game và cài nhiều ứng dụng. Khi đó, hoặc bạn phải mua iPhone có bộ nhớ trong lớn, hoặc phải mua thêm iCloud. Cả hai cách này đều sẽ khiến bạn mất thêm kha khá tiền.
Chênh lệch về giá giữa các phiên bản có bộ nhớ trong khác nhau trên iPhone là rất cao
>> iPhone 11 với bộ nhớ tối thiểu 64GB: Sự “quá đáng” của Apple?
Vì bộ nhớ trong của điện thoại Android đang rất phổ biến mức 3 con số
Smartphone Android thì luôn trung thành với thiết kế có kèm bộ nhớ mở rộng. Và việc cắm thêm 1 chiếc thẻ nhớ ngoài cùng dung lượng hoặc dung lượng gấp đôi so với bộ nhớ trong cũng không làm người dùng mất thêm nhiều chi phí. Thiết kế của các smartphone Android ở giai đoạn trước luôn có bộ nhớ trong “nhỏ” hơn so với bộ nhớ mở rộng từ 2-3 lần. Nhưng từ khoảng 2018 trở lại đây, đa số các dòng Flagship Android đều có bộ nhớ trong tối thiểu là 128 GB. Còn ở thời điểm này, ngay cả những chiếc điện thoại tầm trung cũng có bộ nhớ trong ở mức 3 con số, ví dụ như Galaxy A51, Galaxy A71, Vivo V19, Vivo Y17, Reno3, OPPO A31, Huawei Y9s…Trong số này, rất nhiều điện thoại chỉ có giá từ 4 triệu đồng.
OPPO A31 có bộ nhớ trong 128GB chỉ có giá hơn 4 triệu đồng
>> OPPO A31: Lựa chọn phù hợp cho người tập làm Vlog với camera ấn tượng, bộ nhớ khủng
Với những smartphone có thể quay 4K thì đa phần có bộ nhớ trong 256 GB. Tất nhiên, tất cả các smartphone Android này đều có khe cắm thẻ nhớ mở rộng. Tuy nhiên, với bộ nhớ trong khủng như vậy, rất nhiều người sẽ lựa chọn không cần cắm thêm thẻ nhớ. Mặt khác, nhiều smartphone thiết kế kiểu 2 sim với 1 sim dùng chung với khe cắm thẻ nhớ. Do đó, thay vì lắp thêm thẻ nhớ, rất nhiều người lại chọn lắp thêm 1 sim khác. Đó là lý do vì sao thẻ nhớ ngày càng ít được ưu chuộng trên smartphone. Chưa kể việc người dùng ngày càng có nhiều lựa chọn với các hình thức lưu trữ trực tuyến miễn phí hoặc giá rất rẻ.
Bộ nhớ trong lớn cùng cấu hình khủng giúp điện thoại Android cân mọi game nặng
>> Đánh giá chi tiết Oppo Find X2: trải nghiệm ấn tượng
Cùng là không sử dụng thẻ nhớ ngoài nhưng rõ ràng lý do của smartphone Android có vẻ có lợi cho người dùng hơn nhiều so với iPhone.