Tin mới
Vsmart cần làm gì để giữ được vị thế ông lớn trên thị trường smartphone?
Mục tiêu của Vsmart không chỉ là 16,7% thị phần nhưng trước khi nghĩ tới con số lớn hơn, Vsmart cần phải giữ được TOP 3 trước.
Các hãng smartphone ngoại dồn dập tung “đòn” để giành lại thị trường
Thực tế, ngay cả trong thời gian dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc, OPPO vẫn đều đặn tung ra các Model mới, từ phổ thông tới cao cấp. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc khống chế được dịch Covid-19, các hãng smartphone khác như Huawei, Vivo, Xiaomi, Realme…đã liên tiếp cho lên kệ các sản phẩm ở nhiều phân khúc, đặc biệt là phân khúc giá phổ thông, vốn là phân khúc mà Vsmart đang chiếm ưu thế lớn.
A01 của Samsung luôn bán rất chạy ở phân khúc 2-3 triệu
Samsung ngoài việc tung ra Galaxy A01 giá rẻ nhất trong số các Model của hãng cũng liên tiếp cho lên kệ các dòng A, dòng M khác chỉ trong một thời gian ngắn như A11, M21, M31. Ngoài ra, không thể không nhắc tới sự xuất hiện của Nokia C1 và C2 trong phân khúc 1-2 triệu đồng. Động thái này của các hãng smartphone ngoại cho thấy cuộc cạnh tranh trên thị trường thời gian tới sẽ rất khốc liệt, nhất là phân khúc tầm trung và giá phổ thông.
C2 của Nokia cũng là một đối thủ lớn ở phân khúc 1-2 triệu
Vsmart cần làm gì để giữ vị thế ông lớn?
Khác với đa số các đối thủ, Vsmart hiện chỉ có smartphone ở phân khúc dưới 4 triệu. Tuy nhiên, phân khúc này hiện chiếm khoảng 55% toàn thị trường. Do đó, nếu có thể làm chủ được phân khúc này, Vsmart chắc chắn sẽ giữ được TOP 3. Dù vậy, đóng góp vào 16,7% thị phần của Vsmart chủ yếu lại ở phân khúc dưới 1 triệu và từ 1- dưới 2 triệu. Từ phân khúc 2-3 triệu và 3-4 triệu, Vsmart đang xếp sau nhiều đối thủ. Điều đó có nghĩa, muốn giữ được TOP 3, Vsmart phải hoàn thành nhiệm vụ kép. Đầu tiên là bắt buộc phải phải thống trị phân khúc dưới 2 triệu với mức thị phần từ 60%-70% như hiện tại. Thứ hai là phải nhanh chóng cải thiện thị phần ở phân khúc từ 2-4 triệu. So với nhiệm vụ giữ vị trí số 1 ở phân khúc dưới 2 triệu thì việc giành thị phần ở phân khúc 2-4 triệu khó khăn hơn nhiều vì đây là phân khúc lớn nhất nên cạnh tranh vô cùng khốc liệt và không có một hãng nào muốn thua ở phân khúc này.
Muốn giữ TOP 3, Vsmart phải thực hiện nhiệm vụ kép
Để cùng lúc làm được điều này, Vsmart sẽ cần phải cải thiện kênh bán hàng Online của mình. Ở tuần cuối tháng 3, cứ 10 smartphone bán ra thì có 3 là bán Online, nhưng trong 10 smartphone Vsmart bán ra chỉ có 1 từ kênh phân phối này.
Việc cải thiện các kênh Online sẽ giúp tăng doanh số cho Vsmart
Bên cạnh đó, Vsmart cũng cần sớm có kế hoạch tung ra các Model mới, hoặc các bản nâng cấp tiếp theo, đặc biệt là của Active hay Live. Trong thời gian qua, một trong những lý do Vsmart chiếm lĩnh được thị trường là nhịp độ ra mắt các sản phẩm mới rất dồn dập khi rút ngắn vòng đời sản phẩm từ 8 tháng-12 tháng xuống chỉ còn từ 3-6 tháng so với các đối thủ. Live ra mắt từ tháng 8/2019 và rõ ràng sẽ cần được “làm mới”.
Live cần được sớm "làm mới"
Với những thành công ở phân khúc giá phổ thông, Vsmart có lẽ cũng cần phải sớm bước chân vào phân khúc cận cao cấp với một Model hoàn toàn mới. Samsung và OPPO đang thống trị ở phân khúc này nhưng cơ hội cho Vsmart không phải là không có. Hơn nữa, nếu muốn tiếp tục đứng vững và vươn lên, Vsmart không thể mãi bằng lòng làm vua chỉ ở phân khúc giá phổ thông bởi 1 chiếc điện thoại cận cao cấp bán ra có giá trị gấp 2-3 lần 1 chiếc điện thoại giá rẻ, thậm chí là nhiều hơn.
Vsmart sẽ cần xuất hiện ở phân khúc cận cao cấp với những Model mới
Ngoài ra, Vinsmart cần sớm tận dụng ưu thế đa ngành của tập đoàn Vingroup để sớm hoàn thiện và phủ sóng hệ sinh thái của mình. Nếu hệ sinh thái của Vinsmart phát triển thì sẽ tạo ra lực đẩy để smartphone Vsmart tiếp tục tăng trưởng. Thị trường Việt cũng đang rất mong chờ các dòng TV hay Smart Home của Vinsmart.
Hệ sinh thái sẽ thúc đẩy mảng smartphone của Vsmart tăng trưởng
Cả thị trường đã phải trầm trồ khi Vsmart phá vỡ lời nguyền “TOP 3 thị phần 10%” nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng cũng không phải là giới hạn cuối cùng của Vsmart.