Tin mới
Windows 10 Fall Creators: bản cập nhật lớn nhưng chưa đã
Windows 10 Fall Creators là bản cập nhật chứa nhiều tính năng mới thú vị nhưng lại khiến người dùng tiếp tục mong ngóng nhiều hơn vào bản cập nhật lớn tiếp theo.
Ngôn ngữ thiết kế Fluent Design mới đẹp nhưng chưa hoàn chỉnh
Điểm nhấn và được mong chờ lớn nhất trên bản cập nhật Fall Creators chính là sự xuất hiện của ngôn ngữ thiết kế mới, Fluent Design. Khác với Direct UI trên phiên bản Windows 10 trước, Fluent Design sở hữu lớp đồ họa đổ bóng và trong suốt bắt mắt hơn, gợi nhớ về giao diện Aero lộng lẫy trên Windows Vista/7.
Hai thành phần chính tạo nên thiết kế Fluent Design là Acrylic - thành phần tạo bóng mờ/trong suốt, Reveal tạo hiệu ứng bôi sáng đối tượng mỗi khi di trỏ chuột tới. Ngoài ra còn có hiệu ứng Parallax và chuyển cảnh Fluid.
Tuy nhiên hiện tại thiết kế Fluent Design vẫn chưa được áp dụng toàn bộ cho hệ thống hiển thị của Windows 10 mà chỉ xuất hiện trên một số ứng dụng mặc định như Start Menu, Action Center, Groove Music, Calculator, Paint 3D, Photos, … Theo một số nguồn tin, thiết kế Fluent Design sẽ chỉ hoàn thiện ở mức độ toàn hệ thống trên bản cập nhật lớn tiếp theo vào năm sau.
Fluent Design mới chỉ xuất hiện trên một vài ứng dụng tích hợp sẵn.
Start Menu và Action Center giờ đây không chỉ đẹp mà còn dễ dàng sử dụng hơn
Cả Start Menu và Action Center đều được áp dụng ngôn ngữ thiết kế Fluent Design, vì thế dễ hiểu khi chúng trông đẹp và hiện đại hơn.
Start Menu còn có thêm một số tính năng mới như hiển thị thêm cột live tile hay có tùy chọn thao tác đối với từng live tile đầy đủ, tiện dụng hơn.
Action Center là một bước tiến lớn so với bản tiền nhiệm trên phiên bản trước. Không chỉ đẹp mắt, các thông báo được sắp xếp khoa học hơn, hỗ trợ thao tác nhanh trong nhiều ứng dụng.
Tính năng My People chưa hữu ích
Một tính năng mới cũng tạo ra nhiều sự thích thú khi Microsoft lần đầu công bố là My People. Tuy nhiên với bản cập nhật Fall Creators mới phát hành, có vẻ như tính năng này cần có vẻ như tính năng này cần thêm sự đầu tư và được hỗ trợ từ các app thứ ba để phát huy hiệu quả hơn trong quá trình sử dụng. Hiện tại, My People chỉ đơn thuần là giúp pin danh bạ trong danh bạ hoặc email, Skype. Nếu bạn không sử dụng nhiều email hay Skype thì tính năng này coi như vô dụng.
Nhấn vào một danh bạ được pin vào task bar mới chỉ hiện ra số điện thoại, email, Skype (nếu có).
Tính năng On-Demand Sync quay trở lại trên OneDrive
Nếu sử dụng Windows 8 ngay từ những ngày đầu chắc bạn sẽ biết tới tính năng OneDrive chỉ tải những dạng xem trước (Thumbnail) của dữ liệu được bạn chỉ định trước và khi bạn cần xem chi tiết thì nó mới bắt đầu được tải về máy tính. Cách này rất hiệu quả khi bạn có nhiều file lưu trữ trên OneDrive trong khi máy tính có ổ cứng SSD hạn chế dung lượng. Không rõ vì sao từ Windows 8.1 tới khi Windows 10 ra mắt, tính năng này lại bị lược bỏ. Với Fall Creators, rất vui khi Microsoft đã mang nó trở lại.
Windows Mixed Reality hay, hấp dẫn nhưng còn xa vời với người dùng phổ thông
Microsoft tiếp tục chứng tỏ sự đầu tư vào mảng nội dung VR và AR. Bằng chứng là việc bổ sung nền tảng tên gọi Windows Mixed Reality vào trong phiên bản Windows 10 mới nhất. Giờ đây người dùng có thể trải nghiệm nội dung thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường bằng việc kết nối kính thực tế ảo phù hợp vào máy tính và có thể trải nghiệm ngay một số ứng dụng tích hợp sẵn đã hỗ trợ hiển thị 3D. Những ứng dụng chưa hỗ trợ thực tế ảo vẫn sẽ hiển thị dạng phẳng 2D. Microsoft và Steam đang hợp tác để sớm đưa SteamVR lên Windows 10 thời gian tới giúp game thủ tận hưởng trò chơi tuyệt vời hơn.
Windows Mixed Reality mang tới một trải nghiệm nội dung và tương tác hoàn toàn mới và hứa hẹn đây là xu hướng phát triển của UI và UX những năm tới. Nhưng hiện tại tính năng này khó có thể phổ biến tới mọi người dùng. Trừ khi bạn là một nhà phát triển, thiết kế với ứng dụng chuyên biệt, việc thiếu các nội dung hỗ trợ và giá thành đắt đỏ dành cho một chiếc kính thực tế ảo đang là rào cản đối với số đông người dùng phổ thông, chưa kể là máy tính của bạn cũng phải đủ mạnh.
Trải nghiệm tính năng Windows Mixed Reality của phóng viên trang công nghệ Windows Central
Khả năng liến kết với Android và iOS mạnh mẽ hơn bao giờ hết
Windows 10 Mobile đã gần như chết, vì thế Microsoft cần tận dụng nền tảng di động phổ biến hiện nay là Android và iOS để có thể giúp nâng cao trải nghiệm và tính gắn bó của người dùng hơn với Windows 10.
Với người dùng iOS, bên cạnh trợ lý ảo Cortana, ứng dụng Outlook, người dùng có thể sử dụng Microsoft Edge với tính năng Continue on PC giúp người dùng có thể tiếp tục đọc trên máy tính trang web vốn đang xem từ smartphone.
Người dùng Android ngoài tương tự như vậy còn có thêm launcher mang tên Microsoft Launcher (tên cũ là Arrow Launcher) với khả năng kết nối các ứng dụng và tài khoản Microsoft trên máy Android về một trang tương tác duy nhất.
Microsoft Launcher đem lại cho các máy Android một diện mạo và trải nghiệm sử dụng mới. Các thao tác vuốt chạm được hỗ trợ nhiều giúp sử dụng thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Đây là một bước tiến quan trọng của gã khổng lồ phần mềm khi thị trường chỉ còn lại hai nền tảng di động đủ mạnh. Việc tạo ra dịch vụ và ứng dụng phục vụ người dùng ở mọi nền tảng là một bước đi khôn ngoan và đúng với châm ngôn "Cloud First, Mobile First" của Satya Nadella.
Những cải thiện khác giúp sử dụng Windows 10 tốt hơn
Microsoft Edge theo thông lệ đều được cải tiến qua từng bản cập nhật. Trên Fall Creators, trình duyệt của Microsoft bên cạnh cải thiện hiệu năng, bảo mật còn có thêm một số tính năng mới. Ví dụ như giờ đây người dùng đã có thể pin trang web mình hay truy cập vào Taskbar hay Start Menu giống như một số trình duyệt khác.
Các trang web xem trên Microsoft Edge đã có thể pin ra Task Bar và Start Menu dễ dàng
Việc thêm các trang web vào Bookmark trên Microsoft Edge được hỗ trợ quản lý bài bản hơn khi người dùng có thể điều chỉnh sâu vào cây thư mục.
Nhìn chung Microsoft Edge ngày càng tốt hơn qua từng bản cập nhật và nó xứng đáng nhận một cái nhìn thiện cảm hơn từ phía người dùng.
Windows 10 giờ đây đã hỗ trợ bút và cảm ứng tốt hơn. Với bút, Microsoft thêm một tính năng mới là Find My Pen giúp cho biết vị trị lần gần đây nhất bạn sử dụng bút. Với thuyết trình Powerpoint, cây bút cảm ứng giờ đây còn đóng vai trong như một bút trình chiếu giúp bạn chuyển slide một cách nhanh chóng. Ngoài ra các thao tác cuộn trang bằng bút cũng được Windows 10 Fall Creators hỗ trợ tốt hơn.
Với tao thác chạm cảm ứng, Microsoft cải tiến khả năng nhập liệu trên màn hình bằng bàn phím ảo mới tên gọi Shape Writing. Điểm đặc biệt với bàn phím này là khả năng lướt phím để gõ, tương tự như Swiftkey trên iOS và Android. Thực chất đây là kiểu bàn phím đã được trang bị trên Windows 10 Mobile trước đây.
Vuốt để nhập liệu đã được mang từ Windows 10 Mobile qua Windows 10
Với người dùng bàn phím và chuột truyền thống cũng không phải buồn khi Windows 10 Fall Creators đã trang bị thêm bộ Emoji tiện lợi khi bạn đang thao tác gõ. Chỉ cần nhấn tổ hợp phím Windows + phím dấu chấm (.), bộ emoji sẽ hiện rất tiện lợi.
Bảng Emoji còn hỗ trợ trên cả những ứng dụng chat giúp người dùng Windows 10 giờ đây nhập các biểu tượng cảm xúc nhanh hơn.
Tính năng Eye Control cũng được thêm vào giúp người dùng có thể dùng ánh mắt để di chuyển trỏ chuột, từ đó có thể điều khiển máy tính mà không cần chạm tay vào màn hình, bàn phím hay chuột. Để hoạt động, Eye Control cần có phần cứng chuyên biệt từ Tobii. Trước mắt tính năng này chủ yếu hướng tới hỗ trợ những người khuyết tật vốn khó khăn hoặc không có khả năng sử dụng máy tính như một người bình thường.
Trợ lý ảo Cortana cũng có nhiều cải tiến khi thông minh và hỗ trợ người dùng sâu hơn trong các tình huống sử dụng. Đặc biệt với Cortana Skill, lập trình viên giờ đây có thể đưa app của mình vào diện hỗ trợ và tương tác trực tiếp với Cortana, giúp người dùng có thể nhờ Cortana thực hiện các yêu cầu ngay cả với các ứng dụng bên thứ ba.
Cortana Speaker là nền tảng trợ lý ảo trên loa giống như Amazon Alexa hay Google Home. Không thua kém đối thủ, Microsoft ngay lúc này đã bắt đầu đem Cortana lên nhiều nền tảng hơn như loa, ô tô.
Story Remix là một tính năng được tích hợp vào trong ứng dụng Photos của Windows 10 nhằm thay thế cho Windows Movie Maker đã quá cũ kỹ. Nhìn chung đây là tính năng dễ dùng với khả năng cắt ghép và thêm hiệu ứng ở mức đơn giản, giúp tạo ra video một cách nhanh chóng.
Windows 10 Fall Creators cũng đã cải thiện Windows Updates. Giờ đây mỗi khi máy tải về bản cập nhật mới sẽ không còn lấy hết băng thông internet làm ảnh hưởng tới nhiều ứng dụng và hoạt động cần kết nối mạng của máy như trước kia nữa. Tất cả được cân bằng giữa hệ thống và hiệu suất làm việc các ứng dụng khác.
Microsoft cũng đã không quên tăng cường bảo mật cho "đứa con cưng" của mình với Windows Device Application Guard, Exploit Protection, … Người dùng giờ đây sẽ không còn sợ trước những mối nguy hại trên internet như Wanna Cry.
Windows 10 fall creators, một bản cập nhật lớn nhưng chưa đã
Fall Creators là bản cập nhật được chờ đón nhiều. Những gì Microsoft giới thiệu tại buổi lễ công bố bản cập nhật này hứa hẹn sự thay đổi rõ rệt trên Windows 10. Giờ đây khi bản cập nhật đã được tung tới tay người dùng, ta có thể nhận thấy sự thiếu hụt của tính năng Timeline mà Microsoft cho biết đành phải trễ hẹn tới bản cập nhật tiếp theo. Những tính năng mới khác đã xuất hiện và giúp Windows 10 tốt hơn nhưng chưa thực sự thỏa mãn kỳ vọng ví dụ như với ngôn ngữ Fluent Design. Fall Creators là một bản cập nhật lớn nhưng nó làm người dùng lại trông về một bản cập nhật lớn tiếp theo.