Tin mới
Các đại gia smartphone tập trung về Việt Nam
Kế hoạch mới nhất của Samsung và Microsoft là bằng chứng cho thấy Việt Nam có cơ hội lớn trở thành nơi hội tụ của các doanh nghiệp công nghệ cao.
Với một đất nước 90 triệu dân và đa phần đang ở độ tuổi lao động, Việt Nam trở thành thị trường lý tưởng cho các ông lớn công nghệ. Môi trường vĩ mô ổn định, chú trọng ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao cũng như chi phí nhân công hấp dẫn giúp Việt Nam cũng trở nên hấp dẫn với những đại gia này.
Trung tuần tháng 8, Microsoft - ông chủ mới của thương hiệu điện thoại di động Nokia công bố kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, chọn nhà máy tại Bắc Ninh là đơn vị chủ lực sản xuất điện thoại di động thông minh (smartphone), thay cho những dòng giá rẻ trước đây.
Động thái này được đánh giá là bước ngoặt bởi hãng điện thoại gần 150 tuổi này đang trong quá trình "thay máu", toàn bộ các nhà máy tại Hungary của Nokia, một phần hoạt động ở Trung Quốc thậm chí phải dừng lại. Hơn 30 dây chuyền sản xuất từ các nhà máy trên toàn cầu sẽ được Microsoft đưa tới Việt Nam vào cuối năm nay. Cùng với đó là vốn giải ngân cho nhà máy tăng, sản lượng hàng tháng cao gấp 3 lần so với dự kiến và độ phức tạp của sản phẩm ngày càng cải thiện, kéo theo giá bán và giá trị xuất khẩu tăng theo.
Khi Nokia khánh thành nhà máy 300 triệu USD tại Bắc Ninh tháng 10/2013, ông Stephen Elop - khi đó là Tổng giám đốc Nokia và nay là Phó Chủ tịch Microsoft từng cho biết việc chọn Việt Nam làm địa điểm mở rộng đầu tư là do tập đoàn nhìn thấy lợi thế cạnh tranh của thị trường. Trước đó, Nokia đã có hai nhà máy tại châu Á, đặt tại Ấn Độ và Trung Quốc.
"Việt Nam có lợi thế về dân số, hứa hẹn nguồn nhân lực lớn mạnh. Bên cạnh đó, quốc gia cũng có vị trí kinh tế tốt, có thể tiếp cận được các dòng vận chuyển sản phẩm từ đây đi quốc tế hoặc ngược lại", ông Elop nhận xét.
Những ưu đãi Chính phủ dành cho doanh nghiệp công nghệ cao và sự hợp tác tích cực của chính quyền địa phương cũng tạo động lực để Nokia đặt chân tới Việt Nam. "Cơ quan quản lý dành nhiều ưu đãi cho chúng tôi, trong đó có áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm kể từ khi đi vào hoạt động, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo", vị này chia sẻ.
Do vậy, sau khi thuộc về một ông chủ đã quá quen với thị trường Việt Nam (Microsoft chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 2007) và Elop vẫn có tiếng nói, lựa chọn của tập đoàn tại thị trường Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Trước đó, Samsung cũng tuyên bố sẽ biến Việt Nam thành "cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh" với gần 6 tỷ USD vốn đăng ký cho đến nay. Lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này xác nhận sau 5 năm chính thức bắt đầu sản xuất tại Việt Nam, quy mô đầu tư của tập đoàn đã tăng cả chục lần. "Điều này cho thấy thị trường Việt Nam rất ổn, điều kiện đầu tư rất tốt. So với các nước trong khu vực thì sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư", ông này nói.
Một ông lớn khác là LG Electronics cũng thông báo đưa dự án 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng vào hoạt động trong tháng 10 tới. Khác với Nokia và Samsung, LG chưa vội chọn ngay "smartphone" là sản phẩm chủ lực từ đầu mà sẽ nhắm tới các dòng cốt lõi khác như tivi, máy giặt, máy hút bụi. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng khẳng định sau khi xây dựng thị trường, LG sẽ đầu tư sản xuất mạnh điện thoại thông minh.Chủ của thương hiệu công nghệ mang biểu tượng "trái táo khuyết" chưa chính thức đầu tư, song đã có những bước chuyển biến để tính tới tương lai lâu dài tại Việt Nam. Haslinda Amin - người phụ trách khu vực Đông Nam Á của Bloomberg trong một bản tin đã cho rằng "Apple đang có những thỏa thuận với FPT nhằm phát triển thị trường Việt Nam trong tương lai gần".
Nokia sẽ tập trung sản xuất dòng điện thoại di động thông minh tại Việt Nam. Ảnh: T.A
Dự định này được hé mở sau khi doanh số Apple tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Theo Reuters, doanh số bán hàng của Apple tại Việt Nam cao gấp 3 lần chỉ trong 3 tháng đầu năm 2014, nhanh gấp 5 lần so với mức tăng trưởng tại Ấn Độ - quốc gia đã được đầu tư một khoản tiền lớn để giành lợi thế trong cuộc chiến thị phần. Riêng với iPhone, doanh số tại Việt Nam tăng gấp đôi sau mỗi quý và hứa hẹn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa nhờ lực đẩy từ khách hàng trẻ và lượng người sử dụng Internet tăng nhanh.
Trong cuộc họp báo diễn ra giữa tháng 7 vừa qua, thị trường Việt Nam đã được ban quản trị hãng lưu tâm và đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, điều hiếm thấy trong các nhận xét của Apple về triển vọng thị trường toàn cầu.
Tác động dễ nhìn thấy sau động thái tăng cường đầu tư của các tập đoàn lớn là dòng vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không chỉ cải thiện về lượng mà còn về chất, nhiều lao động có thêm việc làm, kinh tế địa phương cải thiện và giá trị xuất khẩu tăng. Chỉ riêng Samsung, với hơn 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong năm 2013 đã góp phần lớn cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi các doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao chọn đây là địa điểm đầu tư lý tưởng.
Lý giải cho sự ưa thích của các nhà đầu tư ngoại, đại diện VAFIE cho hay trước hết là do môi trường đầu tư ổn định, Việt Nam cũng đang sẵn sàng hội nhập, tham gia nhiều hiệp ước song phương, đa phương. "Những tín hiệu đó cho thấy Việt Nam sẵn sang bắt tay với các nước. Hạ tầng và nguồn nhân lực cũng có những tiến bộ và các địa phương đang dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực hơn trong thu hút vốn nước ngoài", ông Toàn phát biểu.
Đặc biệt, vị này nhấn mạnh Việt Nam đang có thời cơ tốt để nhận lấy những dòng vốn đang rút khỏi Trung Quốc do những bất ổn trong môi trường vĩ mô và giá nhân công tăng lên. "Việt Nam lại có mối quan hệ khá tốt trên trường quốc tế thời gian gần đây. Do vậy, khi rời Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên hơn tới Việt Nam. Đây là thời cơ cần nắm lấy trong bối cảnh môi trường đầu tư khởi sắc", ông cho biết.
Song, để giữ chân nhà đầu tư lâu dài và tránh "dậm chân tại chỗ", vị chuyên gia này cũng khuyến nghị cơ quan quản lý cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và giảm bớt những phiền hà trong thủ tục hành chính.
"Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao minh bạch và cải thiện cơ sở tầng, khi đó chắc chắn đầu tư nước ngoài vào còn tăng hơn nữa", đại diện Samsung góp ý. Hay mới đây, phía Microsoft cũng khẳng định sự phát triển đầu tư trong tương lai sẽ phụ thuộc lớn vào động thái tháo gỡ vướng mắc của cơ quan quản lý khi tập đoàn tiến hành chuyển giao hàng chục dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc, Hungary và Mexico về Việt Nam.