Tin mới
Giá cổ phiếu NVIDIA tăng 35 lần trong 5 năm: Hầu hết nhân viên cũ đều trở thành triệu phú và nỗi lo “nghỉ hưu bán phần”
Nhờ sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây, giá trị thị trường của NVIDIA đã tăng vọt. Điều đó cũng đem lại khoản lợi nhuận cổ phiếu kếch xù cho những nhân viên đã và đang làm việc tại công ty.
Kể từ đầu năm 2024, giá cổ phiếu của NVIDIA đã tăng 151% và trong vòng 5 năm qua giá cổ phiếu đã tăng vọt 3.500% và giá trị thị trường của nó từng đạt 3,3 nghìn tỷ đô la Mỹ, vượt qua Apple và Microsoft, trở thành công ty niêm yết có giá trị thị trường cao nhất trong lịch sử nhân loại.
Giá cổ phiếu tăng vọt này cũng khiến nhân viên Nvidia kiếm được rất nhiều tiền. Có thông tin cho rằng những nhân viên đã làm việc tại NVIDIA trong 5 năm hiện có thể có giá trị hơn một triệu đô la Mỹ. Levels.fyi ước tính rằng một người quản lý sản phẩm cấp 3 (Có tổng cộng 8 cấp) tại Nvidia nhận được lượng cổ phiếu trị giá khoảng 77.700 USD mỗi năm. Theo công cụ tính toán đầu tư của Finlo, nếu một nhân viên nhận được số cổ phiếu trị giá 77.700 USD vào năm 2019 thì giá trị thị trường của riêng số cổ phiếu này ngày nay đã vượt quá 1,6 triệu USD, chưa bao gồm các cổ phiếu khác tích lũy được trong những năm gần đây.
Sử dụng phép tính tương tự, một kỹ sư phần mềm cấp dưới sẽ có gần 500.000 USD thu nhập từ cổ phiếu trong 5 năm, một kiến trúc sư giải pháp cấp cao sẽ có 1,3 triệu USD và một nhà khoa học dữ liệu cấp 4 sẽ có 2 triệu USD chỉ từ số cổ phiếu được cấp ban đầu.
Thoạt nhìn, việc nhân viên trở nên giàu có nhờ sự thành công của công ty có vẻ là một điều tốt, nhưng Nvidia cũng phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để giữ chân những nhân viên triệu phú đã đạt được tự do tài chính và đang trong tình trạng "nghỉ hưu bán phần" này có động lực làm việc.
Theo báo cáo, tại cuộc họp toàn thể nhân viên vào tháng 12 năm ngoái, Giám đốc điều hành Nvidia, Jen-Hsun Huang, đã phải giải quyết tình trạng "nghỉ hưu bán phần" của một số nhân viên. Được biết, mối quan hệ giữa các nhân viên ngày càng trở nên căng thẳng, các nhân viên mới cảm thấy một số nhân viên cũ đã bắt đầu "nằm im" và chưa hoàn thành trách nhiệm công việc của mình.
Chiến lược ứng phó của Jen-Hsun Huang là khuyến khích mỗi nhân viên chịu trách nhiệm về bản thân và trở thành CEO (Giám đốc điều hành) cho thời đại của chính mình.
Vậy, giờ đây họ đã đạt được tự do tài chính, tại sao những nhân viên này lại chọn ở lại NVIDIA thay vì trực tiếp rời công ty? Câu trả lời có thể nằm ở văn hóa doanh nghiệp của Nvidia.
Duyệt qua trang văn hóa của Nvidia, bạn có thể thấy công ty nhấn mạnh triết lý "một nhà" và "Không phân cấp". Một đánh giá về nhân viên của Nvidia do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện cho thấy các giá trị văn hóa của công ty rất phù hợp với cách nhân viên trải nghiệm nơi làm việc.
Như một người dùng Reddit đã viết trong một chủ đề liên quan: "Nếu bạn được làm một công việc yêu thích và công ty thưởng cho bạn một cách hậu hĩnh, tại sao lại phải rời đi?"
Minh Hoàng