Tin mới
Bugatti chia tay động cơ W16 "siêu to khổng lồ" bằng cách đặt vào siêu xe mui trần nhanh nhất Thế giới Mistral
Ngoài danh hiệu (tự xưng) là siêu xe mui trần nhanh nhất Thế giới, Bugatti Mistral còn đặc biệt khi là phiên bản không mui duy nhất dựa trên Chiron.
Bugatti Mistral là mẫu hypercar mui trần thứ 3 lựa chọn tuần lễ hội xe hơi Monterey tại Mỹ làm địa điểm ra mắt, bên cạnh Hennessey Venom F5 Roadster và Koenigsegg CC850. Tên gọi của chiếc xe được đặt theo một cơn gió thổi từ thung lũng sông Rhône nằm giữa Pháp và Thuỵ Sĩ. Mistral là phiên bản không mui duy nhất dựa trên Chiron.
Theo Bugatti, Mistral được tạo ra "với một mục đích duy nhất: trở thành mẫu xe mui trần nhanh nhất Thế giới một lần nữa". Đây cũng là mục tiêu được Hennessey đề cập tới khi ra mắt Venom F5 Roadster. Nhưng trong khi hãng xe Mỹ đã tuyên bố sẽ thử cố phá cột mốc 300 dặm/h (483km/h), không rõ Bugatti có định làm điều tương tự không. Trước đây hãng đã từng tuyên bố không còn quan tâm tới việc chạy theo các kỷ lục tốc độ. Với 99 chiếc được sản xuất, số lượng Mistral trên Thế giới sẽ nhiều hơn gấp 3 lần so với Hennessey Venom F5 Roadster. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chiếc xe rẻ hơn mà trái lại, các đại gia sẽ phải bỏ ra ít nhất 5 triệu Euro (tương đương 117,4 tỷ đồng) để sở hữu chiếc xe thay vì 3 triệu USD như mẫu hypercar Mỹ. Và hiện tại cả 99 chiếc đều đã được đặt cọc, chỉ chờ tới năm 2024 để giao tới tay giới siêu giàu trên Thế giới. Vào năm 2013 Bugatti cũng đã từng lập kỷ lục tốc độ tối đa dành cho xe mui trần với Veyron 16.4 Grand Sport Vitesse, đạt 408,84km/h. Xét tới việc động cơ W16 8.0l 4 tăng áp của Mistral mạnh 1.577 mã lực được lấy từ chiếc Chiron Super Sport 300+ đã phá kỷ lục tốc độ tối đa dành cho xe thương mại một cách không chính thức, rõ ràng chiếc xe hoàn toàn có khả năng thực hiện lời tuyên bố nêu trên của Bugatti. Theo Bugatti, thiết kế của Mistral lấy cảm hứng từ mẫu xe cổ Type 57 Roadster Grand Raid đời 1934. Nhưng trông nó giống một sự tổng hợp các chi tiết từ những chiếc Bugatti đặc biệt trước đây như Divo, La Voiture Noire và Bolide. Do dựa trên Chiron, chiếc xe sở hữu nội thất tương tự. Tạo sự khác biệt là da dệt lần đầu tiên được sử dụng trên một chiếc Bugatti, cần số CNC nhôm nguyên khối với ốp gỗ và biểu tượng voi chồm như trên lưới tản nhiệt của Bugatti Type 41 Royale từ cuối thập niên 20 của Thế kỷ XX. Với Mistral, Bugatti cũng chính thức khép lại vòng đời của Chiron nói riêng, cũng như động cơ W16 nói chung. Và đó là một kết thúc đẹp cũng như đầy ý nghĩa. Cỗ máy này đã được tạo ra nhờ Ferdinand Piëch - Cựu chủ tịch Volkswagen, một trong những kỹ sư ô tô nổi tiếng và đầy tham vọng nhất mọi thời đại. Mục tiêu của Piëch là tạo ra thứ mà ông tin rằng sẽ là động cơ mạnh nhất từng được trang bị cho một chiếc xe thương mại, điều mà cả Veyron và Chiron đều đạt được. Với sự kết thúc của kỷ nguyên động cơ đốt trong, sẽ không còn chỗ cho một cỗ máy lớn về cả dung tích lẫn số xi-lanh như vậy. Sau khi hoàn tất quá trình sản xuất Mistral, Bugatti sẽ trở thành một thương hiệu xe điện - mặc dù hãng vẫn giữ truyền thống sản xuất những chiếc hypercar siêu sang với hiệu năng cực cao. Thông số kỹ thuật Bugatti Mistral: