Tin mới
Đáp trả McLaren W1, Ferrari chuẩn bị ăn mừng 80 năm thành lập với hypercar F80
Giống như đối thủ từ McLaren, Ferrari F80 cũng được thiết kế với mục đích tối ưu toàn diện về khí động học và kết hợp với những công nghệ tiên tiến nhất của hãng.
288 GTO, F40, F50, Enzo, LaFerrari. Trong 40 năm qua, cứ gần mỗi dịp kỷ niệm chẵn năm đầu tiên Ferrari sản xuất siêu xe dân dụng, hãng lại tung ra một thế hệ hypercar mới. Tất cả đều hướng tới hiệu năng vận hành tối đa với các thành tựu mới nhất của hãng. Vào năm 2027, hãng sẽ kỷ niệm 80 năm và giờ đây, Ferrari F80 đã chính thức được công bố để giao khách vào thời điểm đó.
Không biết là do vô tình hay cố ý, sự ra mắt của F80 cũng diễn ra chỉ cách tuần sau khi đối thủ McLaren tung ra chiếc hypercar đầu bảng tiếp theo là W1. Nếu bạn đọc còn nhớ, cách đây khoảng 1 thập kỷ đã từng có một bộ "tam hoàng" hypercar gồm McLaren P1, LaFerrari và Porsche 918 Spyder được ra đời đã tiên phong giới thiệu công nghệ hybrid tới cho dải sản phẩm của mỗi hãng.
Hiện tại, chỉ còn Porsche chưa tung ra mẫu hypercar kế tiếp dù đã hé lộ nó qua mẫu concept Mission X năm ngoái. Nhưng nếu điều đó xảy ra, có vẻ như đặc tính khí động học tối ưu tới cùng cực của công nghệ hiện tại sẽ là chủ đề chính cho "tam hoàng" hypercar mới của thập niên 20 Thế kỷ XXI. Vì hiện tại, cả W1 lẫn F80 đều đang đi theo hướng này. Trong khi những hypercar trước của Ferrari còn một chút gì đó "chất nghệ", F80 giờ đây đã bị chi phối hoàn toàn bởi những mặt cắt, cánh và hốc.
Nhưng càng đi sâu vào công nghệ bên dưới, thiết kế cực đại về mặt khí động học đó càng trở nên hợp lý. Những con số đơn thuần rất ấn tượng – 1.050kg lực ép không khí xuống mặt đường ở tốc độ 250km/h – nhưng cách nó đạt được điều đó mới là phần thú vị. Gầm xe được ốp kín bằng các tấm chắn ở phía trước, một cánh có thể triển khai dưới bộ chia gió trước để chặn không khí và giảm lực cản khi cần thiết, và một bộ khuếch tán ở phía sau bắt đầu nhô lên đâu đó quanh phần giữa của xe.
Ở trên cùng, hốc gió nắp ca-pô quen thuộc hút không khí từ gầm xe lên và tràn qua mui, trong khi cánh sau có thể nâng lên 200mm và nghiêng đáng kể để hoạt động như một phanh khí hoặc nằm xuống để giảm lực cản. Kết quả là một chiếc xe có hiệu ứng mặt đất thực sự với lực ép không khí 460kg được cung cấp bởi đầu xe và 590kg ở phía sau.
Tất cả đều có thể thực hiện được nhờ hệ thống treo chủ động không chỉ giảm thiểu tình trạng "bốc đầu" khi tăng tốc, chúi đầu khi giảm tốc và nghiêng hai bên khi vào cua; mà còn duy trì độ cao ổn định để gầm xe có thể thực hiện chức năng của nó. Bản thân hệ treo từ Multimatic cũng là một tác phẩm với lò xo, bộ giảm chấn, động cơ và bộ kích hoạt, tất cả đều được sắp xếp xung quanh các tay đồn được in 3D tuyệt đẹp tại nhà máy.
Hộp số là loại DCT 8 cấp, bánh xe là vành carbon năm chấu đầu tiên mà Ferrari sản xuất và lốp xe là Michelin Pilot Sport Cup2 hoặc Pilot Sport Cup2Rs. Bản thân khung carbon không đối xứng, để ghế hành khách có thể lùi xa hơn một chút, giúp nó hẹp và với chân được nâng lên để các giải pháp khí động học có thể hoạt động bên dưới. Kết quả là khung nguyên khối nhẹ hơn 5% so với LaFerrari, với độ cứng xoắn cao hơn 50%. Nhìn chung, F80 4WD nặng 1.525kg khô, nặng hơn 125kg so với McLaren W1 chỉ dẫn động cầu sau.
Sau đó là 'Impluvium' - tên gọi dành cho các hốc gió trên vai xe, trông giống như thân xe đang được bóc ra khỏi khung carbon để cung cấp cho các họng nạp khí động cơ và bộ làm mát trung gian. Ferrari có thể tích hợp hốc này vì buồng lái rất hẹp, để lại bề mặt vai phẳng vuông này chạy dọc theo chiều dài của xe. Góc ấn tượng nhất của F80 chắc chắn là phía trước.
Từ đó ai cũng sẽ thấy 'mũi' của xe, hai ống dẫn không khí qua các phần nhô ra của khung phụ phía trước để làm mát phanh Brembo CCM-R Plus. Tuy nhiên giá như Ferrari có thể tìm cách tích hợp một lưới chắn đỡ lộ hơn thay vì vân tổ ong lớn như hiện tại. Đằng sau F80 là nắp động cơ với 6 lỗ tản nhiệt - mỗi lỗ tượng trưng cho mỗi xi-lanh. Ferrari cũng không nhắc gì tới tuỳ chọn nắp kính để khoe ra động cơ phía dưới.
Và tin buồn cho những fan của hypercar Ferrari với máy V12 lớn nạp khí tự nhiên đã kéo dài 3 thập kỷ từ chiếc F50. F80 dùng hệ động lực hybrid V6 tăng áp kép, điều này hơi đáng thất vọng, nhưng lý do thì rõ ràng: động cơ V6 3.0 lít 120 độ này là phiên bản được sửa đổi mạnh mẽ của động cơ đã đưa 499P giành chiến thắng liên tiếp tại Le Mans 24hrs.
Đây là cấu hình cũng được sử dụng trong F1, chính vì vậy nó đáp ứng được một trong những đặc trưng của các hypercar kỷ niệm nhà Ferrari: được trang bị hệ động lực tiên tiến nhất của hãng ở thời điểm đó. Nó cũng nhỏ gọn hơn, công suất cao hơn và nhẹ hơn so với động cơ V12. Và nhờ một cặp turbo điện tử (tuốc bin lớn dẫn động bởi mô-tơ điện ở tua thấp), chỉ mình cỗ máy xăng này tạo ra 888 - mạnh hơn 234 mã lực so với động cơ V6 của 296 GTB dù có cùng trọng lượng.
295 mã lực còn lại - tổng cộng là 1.183 mã lực, khiến nó trở thành chiếc Ferrari dân dụng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay - đến từ bộ ba động cơ điện được thiết kế và chế tạo tại nhà máy. 2 mô-tơ nằm trên trục trước tạo thành hệ dẫn động 4 bánh và cái còn lại nằm dưới động cơ V6, có thể cung cấp 70kW cho pin ở chế độ tái tạo hoặc thêm 80 mã lực trợ lực.
Pin 800V 2,3kWh được giấu sau ghế ngồi, được ứng dụng công nghệ F1 để sạc và xả nhanh - không có chế độ chỉ chạy bằng điện ở đây. Trên thực tế nếu tính toàn bộ cả chiếc xe, không dưới 13 mô-tơ điện đã được sử dụng - thêm hai động cơ nữa trên mỗi bộ tăng áp điện tử 48V, một mô-tơ ở mỗi góc cho hệ thống treo chủ động 48V và 4 động cơ 12V nữa để nâng hạ/nghiêng cánh đuôi.
Hiệu suất thì… nhanh và mạnh mẽ: 0-100km/h trong 2,15 giây, 0-200km/h trong 5,75 giây và tốc độ tối đa là 350km/h. Với hệ dẫn động 4 bánh, F80 tăng tốc nhanh hơn McLaren W1 tới 100 và 200km/h, và cả 2 đều đạt tốc độ tối đa giống nhau. Nhân tiện, F80 đã lập kỷ lục vòng đua Fiorano mới của Ferrari là 1 phút 15,3 giây - nhanh hơn hai giây so với SF90 XX Stradale và nhanh hơn 4,4 giây so với LaFerrari.
Chiếc F80 sẽ không thiếu sức mạnh và tốc lực cũng như có gói khí động học để hoàn thành các vòng đua nhanh nhất, nhưng Ferrari kiên quyết khẳng định đây không chỉ là một chiếc xe đua đường phố. "Triết lý của chúng tôi là ngay cả những chiếc xe cực đoan và đặc biệt nhất cũng phải được trải nghiệm ngoài đường đua, chứ không phải được giữ trong gara". Có vẻ như triết lý này đã quay ngoắt 180 độ, khi nhà sáng lập hãng Enzo Ferrari buộc phải bán xe dân dụng mới có tiền đi đua.
Đương nhiên động cơ V6 cũng không thể có thứ âm thanh V12 nạp khí tự nhiên đã khiến bao thế hệ mê muội xe Ferrari, nhưng nhưng Gianmaria Fulgenzi, giám đốc phát triển sản phẩm đã đưa ra lời đảm bảo: "Bạn có thể nghi ngờ tôi, vì đây là động cơ V6 chứ không phải V12, nhưng hãy tin tôi, âm thanh đặc trưng của Ferrari vẫn còn đó". Ông nói thêm: "Hệ thống e4WD có thể quản lý một cách thành thạo và thậm chí khuyến khích các cú drift vui nhộn ở giới hạn". Chúng ta phải cảm ơn hệ thống chống trượt SSC 9.0 (Side Slip Control) mới nhất vì điều đó.
Kéo một lẫy gắn thấp và cửa cánh bướm nâng lên, kéo theo cả bậu cửa. Đây là lúc chiều rộng nhỏ của khung carbon nguyên khối lộ ra, cách nó thuôn nhọn đáng kể giữa các bánh xe phía trước và độ cao của chân người lái để tạo không gian cho những thủ thuật khí động học bên dưới gầm. Lần đầu tiên tay đua F1 của đội Ferrari Charles Leclerc lái nó quanh Fiorano, anh đã nhảy ra và hét lên "cuối cùng, các anh đã tạo ra một chiếc xe có tư thế lái chính xác".
Bên trong, Ferrari luôn tìm cách nhấn mạnh F80 có cách bố trí ghế 1+1. Ghế lái được lùi về phía sau một chút so với tài xế, cho phép giảm chiều rộng buồng lái đi 50mm nhưng vẫn có đủ chỗ cho hai người lớn. Tuy nhiên, ghế hành khách được cố định vào khung carbon và được hoàn thiện bằng màu đen, trong khi tài xế có toàn bộ bảng điều khiển nghiêng về phía họ, ghế có thể điều chỉnh qua lại và bọc da Alcantara màu đỏ.
Vô-lăng có hình vuông tròn với các nút bấm vật lý được đem trở lại. Núm vặn Mannetino ở bên phải với các chế độ Wet-Sport-Race-CT Off-ESC Off và 3 chế độ cho hệ động lực ở bên trái vô-lăng. Hybrid (hiệu suất tối đa cho việc lái xe trên đường nói chung), Performance (lái xe trên đường và đường đua nhanh hơn, pin được giữ ở mức trên 70%) và Qualify (phát huy tối đa sự trợ lực của hệ thống hybrid để có hiệu năng tối đa).
F80 còn có một thủ thuật nữa - chế độ tối ưu hóa tăng áp. Lái xe quanh đường đua để hiển thị cho máy tính vị trí các góc và đường thẳng, nó sẽ lưu trữ thông tin đó và tự động cung cấp thêm lực tăng áp ở các phần của đường đua nơi cần nhất. F80 có một bảng điều khiển trung tâm nổi, một camera cho gương chiếu hậu và hoàn toàn không có khoang chứa đồ.
Như thường lệ, chỉ có những khách hàng "VIP" nhất của Ferrari mới được hãng mời mua một chiếc F80. Điều này không chỉ đơn giản là mua mọi chiếc Ferrari "thường" khác mà phải sử dụng chúng thường xuyên, tham dự các sự kiện được hãng tổ chức và nhìn chung có thể coi là yêu Ferrari tới mức gần như tôn thờ hãng. Mặc dù vậy, hãng vẫn dễ dàng tìm được 799 "con chiên" và yêu cầu họ đặt cọc để có một chiếc F80 - dù mỗi chiếc có giá lên tới 3,9 triệu USD.
Nhân tiện, con số này đắt hơn McLaren W1 khoảng 1 triệu USD dù siêu xe Anh đạt hiệu năng tương đương và hiếm hơn tới 400 chiếc. Như vậy, 2 trong số 3 hãng xe từng tạo ra "tam hoàng" hypercar hybrid vào thập kỷ trước đã trở lại với những đấu thủ mới nhất. Khi nào thì tới lượt Porsche?
Đức Quang