Tin mới
Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường hí hửng đi xem Ferrari SF90 Spider đặt hơn 1 năm mới về, rủ cả “cạ cứng” đi cùng
Cùng với những người bạn là đại gia Minh "nhựa" và chủ một đơn vị kinh doanh siêu xe, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đã được diện kiến siêu xe Ferrari SF90 Spider chính hãng.
Còn nhớ hồi tháng 4/2021, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (tức Cường "đô la") đã từng chia sẻ trên Facebook của anh một tấm ảnh chụp khi đang chọn cấu hình cho chiếc siêu xe Ferrari SF90 Spider tại đại lý chính hãng. Nhưng phải tới cuối tuần qua, chiếc xe này mới được chuyển về Việt Nam. Rất nhanh chóng, Cường Đô La đã có mặt để xem xe.
Đồng hành với anh còn có sự góp mặt của một cái tên nổi tiếng khác trong giới chơi siêu xe Việt là đại gia Phạm Trần Nhật Minh (tức Minh "Nhựa") và đại diện một đơn vị kinh doanh xe tư nhân. Với SF90 Spider, Nguyễn Quốc Cường đã lựa chọn tông màu xanh Blu Tour de France, mâm rèn màu xám Grigio Corsa, ống xả titan cho ngoại thất. Nội thất của xe có tuỳ chọn ghế Style và được bọc da màu xanh Blu Sterling. Điểm từ trong ra ngoài là các điểm nhấn màu vàng như heo phanh, dây an toàn, đường da chạy dọc ghế ngồi...
Nguyễn Quốc Cường được tư vấn viên của đại lý Ferrari chính hãng hướng dẫn đặt cấu hình SF90 Spider vào tháng 4/2021. Được ra mắt vào tháng 5/2020, SF90 Spider là phiên bản mui trần của chiếc SF90 Stradale đã xuất hiện 1 năm trước đó. Là siêu xe mui trần spider với công nghệ động lực plug-in-hybrid (PHEV) đầu tiên của Ferrari, chiếc SF90 Spider thiết lập nên những chuẩn mực mới về hiệu năng và sáng tạo công nghệ, không chỉ trong dải sản phẩm của Ferrari mà còn trong cả thế giới siêu xe mui trần.
Cấu trúc mui xếp cứng RHT được Ferrari tính toán đặc biệt để đảm bảo tối ưu độ cách âm cũng như khả năng bảo vệ người ngồi trong xe khi hạ mui xuống. Mui xếp RHT cực kỳ gọn nhẹ và nó mất 14 giây để đóng mở mui trong khi chiếc xe đang di chuyển. Cũng cần nói thêm rằng cấu trúc mui xếp RHT của Ferrari đã được áp dụng đầu tiên trên mẫu Ferrari 458 Spider vào năm 2011 và nó liên tục được nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện hơn qua các năm, ứng dụng trên nhiều siêu xe mui trần khác nhau từ đó tới nay. Tương tự như SF90 Stradale, bản mui trần SF90 Spider cũng có hệ động lực plug-in-hybrid tinh vi và cực mạnh, kết hợp giữa động cơ xăng V8 và 3 động cơ điện. Động cơ V8 3990cc tăng áp truyền sức mạnh 780PS/800Nm xuống cầu sau qua hộp số ly hợp kép 8 cấp. Tuy nhiên, điều khiến SF90 Stradale trở nên khác biệt đó là sự xuất hiện của 3 động cơ điện - 2 đặt ở cầu trước và 1 tích hợp trong hộp số. Tổ hợp 3 động cơ điện đem tới cho SF90 Spider thêm 220PS, khiến công suất tổng của chiếc xe đạt tới 1.000PS. Khi so sánh với bản mui cứng SF90 Stradale, các thông số hiệu năng của SF90 Spider chênh lệch không nhiều: bản mui trần SF90 Spider chỉ mất 2,5 giây để đạt 0-100km/h, mất 7 giây để đạt 0-200km/h và tốc độ tối đa 340km/h. (của SF90 Stradale tương ứng là 2,5 giây, 6,7 giây và 340km/h). Hệ động lực hybrid mở ra cho SF90 Spider những khả năng chưa từng xuất hiện trên một mẫu siêu xe Ferrari động cơ đặt giữa. Đầu tiên phải kể tới là khả năng chỉ hoạt động bằng điện: nhờ khối pin Li-ion dung lượng cao, chiếc xe có tầm hoạt động 25km cùng tốc độ tối đa 135km/h chỉ bằng mô-tơ điện. Động cơ xăng cũng sẽ được ngắt hoàn toàn khi lùi xe. Chưa dừng lại ở đó, 2 mô-tơ điện đặt ở cầu trước cũng đồng nghĩa với việc SF90 Spider có khả năng dẫn động 4 bánh. Máy tính trung tâm trên SF90 có khả năng điều khiển lực kéo thông minh tới từng bánh xe. Ferrari đưa ra tổng cộng 4 chế độ vận hành cho động cơ hybrid là eDrive (chỉ sử dụng động cơ điện), Hybrid (sử dụng kết hợp 2 loại động cơ, nhưng máy tính sẽ có thể quyết định ngắt hoàn toàn máy xăng nếu không cần thiết), Performance (chỉ sử dụng động cơ xăng) và Qualify (sử dụng tối đa sức mạnh của cả động cơ xăng và điện cùng một lúc. Để kiểm soát và phát huy tối đa sức mạnh tới 1000PS của hệ động lực, các kỹ sư Ferrari đã phải phát triển các hệ thống điều khiển động học tinh vi cho SF90, đảm bảo hoàn hảo mọi thứ, không chỉ hiệu năng vận hành ở mọi dải tốc độ, mọi kiểu lái xe, tối ưu tăng tốc mà còn tạo sự hưng phấn thích thú khi cầm lái. Chính vì cấu trúc hybrid mới đã buộc Ferrari phải tích hợp nhiều thuật toán điều khiển khác nhau vào chiếc xe, ví dụ như các hệ thống điều khiển điện áp cao (pin nguồn, RAC-e, MGUK, bộ chuyển đổi…) hay hệ động lực, các hệ thống điều khiển động học (kiểm soát độ bám đường, phanh, điều biến lực kéo Vec-tơ…).