Sự ra đời của một chiếc Ferrari mới, ngày nay cũng như trong quá khứ, đại diện cho đỉnh cao của một quá trình sáng tạo rất phức tạp, bao gồm tất cả các loại kỹ năng và đặt ra những thách thức vô hạn cho những nhà thiết kế và kỹ sư may mắn được tham gia vào quá trình đó. Tài năng của những người đi trước thường rất cao siêu. Vì vậy, liệu đội ngũ thiết kế của Ferrari hiện tại có cảm thấy áp lực phải vượt qua cái bóng đó? Từ quá trình thiết kế chiếc Ferrari 296 GTB được hãng xe chia sẻ, có vẻ như họ cũng có những giải pháp cho riêng mình để vượt qua thách thức đó.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ 2 lãnh đạo thuộc dự án F151 (tên mã của 296 GTB). Đó là Carlo Palazzani và Angelo Nivola, lần lượt đứng đầu bộ phận thiết kế ngoại thất và nội thất xe. Họ đều là những người trẻ thuộc thế hệ X (sinh ra trong giai đoạn từ 1965 tới 1980), nhưng vẫn hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông Flavio Manzoni - Phó chủ tịch thiết kế của Ferrari. Dù lớn lên trong thời kỳ số hoá nhưng cả 2 vị này đều vẫn quen thuộc với việc cầm bút vẽ trên giấy trắng - điều mà những tiền bối của họ đã thực hiện để từng tạo ra những thiết kế kinh điển.
Palazzani giải thích: “Hình dáng của 296 GTB đã được đưa ra ánh sáng trong hơn một năm. Có rất nhiều bản phác thảo, nhanh chóng được xử lý thông qua trí tuệ nhân tạo và sau đó được kết xuất thành các mô hình phong cách. Sau đó, dự án bước vào một loại 'vườn ươm', nơi mọi thành phần – thẩm mỹ và công nghệ – đạt đến độ chín. Tổng cộng mất hơn ba năm.” Khung thời gian đó đã được rút ngắn gần bằng một nửa so với công việc thiết kế vào đầu Thiên niên kỷ này. Tuy nhiên quá trình vẫn còn lâu hơn sự thần tốc của các bậc thầy thiết kế xe vào thập niên 1960 của Thế kỷ XX. Họ chỉ mất khoảng 3 tháng kể từ những bản vẽ phác đầu tiên tới khi các bản thử nghiệm lăn bánh ngoài đường.
Đương nhiên một chiếc xe của những năm 60 không phải đối phó với hằng hà sa số các quy định về độ an toàn, hàm lượng khí thải, tính tiết kiệm nhiên liệu... gây ảnh hưởng tới thiết kế; trong khi vẫn phải bảo đảm cảm giác lái phấn khích.
Angelo Nivola, trưởng bộ phận thiết kế nội thất xe thể thao, được hỗ trợ bởi Nicola Bevilacqua, giải thích: “Chủ đề của 296 GTB cực kỳ rõ ràng và có vẻ đơn giản. “Điều thú vị khi lái xe là khái niệm lái: giảm chiều dài cơ sở và quyết tâm giữ cho khối lượng nhỏ gọn là những bước đầu tiên, cùng với sự chú ý đặc biệt đến nội thất bên trong. Bởi vì – điều đáng nhắc lại – niềm vui khi lái xe, khía cạnh vật lý và dễ cảm nhận nhất của ‘sự vui vẻ’, được truyền qua vô lăng”.
Yêu cầu thiết kế - cho cả nội thất và ngoại thất - đã được chuyển cho các nhóm sáng tạo tương ứng, những người làm việc hoàn toàn tự chủ, được hưởng lợi từ ý kiến đóng góp từ Giám đốc tương ứng và Trưởng thiết kế.
“Trong trường hợp của 296 GTB,” Stefano De Simone, người được cho là đã thiết kế ngoại thất của chiếc xe, cho biết, “Tôi muốn nói rằng chúng tôi đã 'lưu giữ' khoảng 80% bản phác thảo ban đầu. Tất cả chúng tôi đều hài lòng và phương pháp làm việc, một lần nữa, hoạt động hoàn hảo.”
De Simone nhấn mạnh: “Có nhiều chi tiết không thể bỏ qua: mặt trước thể hiện sự đơn giản và hài hòa tuyệt vời, khe hút gió mang lại sức mạnh cho phần sau cơ bắp, chúng tôi đã hết sức cẩn trọng khi xác định cách các bề mặt phản ứng với ánh sáng và cách chúng đem tới vẻ đẹp cho các đường nét có sự phản xạ ánh sáng tối ưu”.
Quay trở lại cách nội thất ra đời, Nivola giải thích rằng chức năng và cảm giác lái tạo nên vẻ đẹp. Cùng với Roberto Mastruzzo, Trưởng bộ phận Thiết kế các thành phần: “Chúng tôi bắt đầu từ những yêu cầu rất đơn giản, với màn hình 'bao quanh' đặt ngay trước mặt người lái. Mọi thứ cần thiết đều ở đúng nơi; mắt, sự tập trung của người lái xe – không có gì bị mất trong các yếu tố thừa thãi hoặc xa rời”.
Carlo Palazzani nối tiếp về chủ đề này: “Tôi muốn kết thúc bằng cách tôn vinh thiết kế đuôi xe. Tôi coi góc nhìn 3/4 phía sau của 296 GTB là một trong những kết quả thành công nhất trong lịch sử thiết kế 50 năm qua của Ferrari. Sự phát triển về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật luôn song hành với nhau, bắt đầu từ ống xả trung tâm, chảy lên theo hình chữ 'Y' để hỗ trợ 'cầu nối' hay tấm ốp màu đen giữa các đèn”.
Ông tiếp tục: “Đó không phải chỉ là một chi tiết chỉ thuần mang tính thẩm mỹ, mà chiếc cánh mỏng manh này cũng có thể tạo ra lực nén không khí ở tốc độ cao lên tới 300-400kg ở trục sau. Và sau đó là lưới tản nhiệt; chúng cũng được đóng khung bởi một thiết kế mà tôi thấy đã giải quyết yếu tố đó đến mức hoàn hảo tuyệt đối”.