Tin mới
Giao thông hỗn loạn không kém Việt Nam, nhưng hệ thống tự lái giá chỉ khoảng 70 triệu đồng này vẫn chạy an toàn
Hệ thống tự lái Driver 2.0 của DeepRoute.ai có khả năng đối phó với những tình huống giao thông bất thường như bị "tạt đầu" hay người đi xe máy, xe đạp sang đường bừa bãi.
Với sự phát triển của công nghệ, các hệ thống tự lái trên xe hơi đã có những bước phát triển thần tốc trong thập kỷ qua. Hiện tại rất nhiều dòng xe phổ thông đã đạt tới chuẩn tự lái cấp độ 2 (hỗ trợ người lái một phần), trong khi các dòng xe cao cấp đã chạm tới cấp 3 (tự lái tuỳ điều kiện) và đang dần hướng tới cấp 4 (gần như tự lái). Tuy nhiên một thách thức không nhỏ đối với công nghệ tự lái đó là đối phó với tình trạng giao thông tại các đô thị lớn.
Đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển - trong đó có Việt Nam - tình trạng giao thông hỗn loạn do người tham gia vẫn còn thiếu ý thức đã dẫn tới những tình huống thách thức các công nghệ tự lái. Một số tình huống bao gồm bị xe trước "tạt đầu" hay người đi bộ và xe 2 bánh băng qua đường đột ngột, không theo vạch chỉ dẫn. Để đối phó với điều đó, DeepRoute.ai - một công ty công nghệ của Trung Quốc đã phát triển nên giải pháp tự lái có tên gọi Driver 2.0.
Để chứng minh hiệu quả của Driver 2.0, DeepRoute.ai vừa tung ra một video thử nghiệm cộng nghệ của mình tại Thẩm Quyến. Đây là thành phố lớn thứ 4 Thế giới với 17,5 triệu dân và tình trạng giao thông khá hỗn loạn. Hệ thống Driver 2.0 được lắp đặt trên một chiếc MG Marvel R, và chiếc xe này đã tự lái qua hơn 22km ở các quận trung tâm ở Thẩm Quyến. Vào ngày 6/7/2022 vừa qua, chính quyền Thẩm Quyến đã cho phép thử nghiệm các loại xe thông minh và có khả năng kết nối, chính vì vậy Driver 2.0 đã trở thành cuộc lái thử không người lái đầu tiên được hợp pháp hoá trên đường công cộng tại Trung Quốc. Qua video, chúng ta có thể thấy Driver 2.0 đã đối phó một cách chính xác với nhiều tình huống nguy hiểm như giao thông đông đúc, xe quay đầu đột ngột, người đi xe máy điện ngược chiều, người băng qua đường... Về phần cứng, Driver 2.0 bao gồm 5 cảm biến ánh sáng và khoảng cách (LIDAR) thể rắn, 8 camera, một loạt các cảm biến và một máy tính trung tâm. Tuy nhiên cái quan trọng ở đây là các thuật toán nhận biết mà theo DeepRoute.ai, có khả năng phát hiện và phán đoán lộ trình của người đi bộ, xe hơi và xe 2 bánh phía trước ở khoảng cách tối đa 200m. Không giống như các hệ thống khác, phần cứng và phần mềm của DeepRoute.ai dường như đang hoạt động hài hòa với nhau, chủ động giảm tốc như một biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ tính mạng con người và tránh va chạm. Do đó, công nghệ tự hành không chỉ phản ứng với đèn giao thông, biển báo giao thông và đường 1 chiều; mà còn có thể chuyển làn và tương tác với môi trường xung quanh một cách chủ động, ngay cả khi phương tiện / người đi bộ đang đến từ bên ngoài góc nhìn.
DeepRoute.ai sẽ cung cấp hệ thống Driver 2.0 với giá 3.000 USD (tương đương 70 triệu đồng) cho các nhà sản xuất ô tô có ý định sử dụng hệ thống này trên những phương tiện sản xuất hàng loạt và taxi tự lái. Công ty mô tả nó như một giải pháp sẵn sàng cho sản xuất thương mại và dự kiến các mẫu xe đầu tiên với hệ thống sẽ được bán ra từ năm 2025 trở đi.