Tin mới
Nồng độ PM 2.5/năm tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với khuyến cáo của WHO, làm thế nào để hạn chế?
Thông qua hội thảo “Giải pháp Công nghệ xanh giảm phát thải bảo vệ môi trường” bên lề VMS 2022, VAMA, VIVA và các chuyên gia đã thống nhất rằng phát triển xe điện sẽ khắc phục được tình trạng trên.
Trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam Motor Show 2022, Hiệp hội Các Nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Các Nhà Nhập khẩu Ô tô Chính hãng Việt Nam (VIVA) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp Công nghệ xanh giảm phát thải bảo vệ môi trường”. Hội thảo diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các đại diện đến từ các hãng xe đang là thành viên của VAMA và VIVA, hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các cơ quan hữu quan và sự quan tâm đông đảo của truyền thông cả nước.
Từ trái sang phải: ông Nguyễn Thanh Trung Hiếu - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Thiết bị & Giải pháp EV1, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô – Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Laurent Genet - Tổng Giám đốc Audi tại Việt Nam, ông Đỗ Tú Cường - Quản lý sản phẩm cao cấp của Mercedes-Benz Việt Nam và ông Ninh Hữu Chấn - Tổng thư ký VAMA Hiện tại, có thể thấy rằng mỗi hãng xe có hướng đi riêng, có công nghệ riêng để tiết kiệm nhiên liệu, giảm mức khí thải từ động cơ xăng dầu, phát triển các mẫu xe chạy bằng điện… Nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển bền vững. Mở đầu hội thảo, tham luận “Ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên phát triển bền vững” của PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô – Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã mang đến những đánh giá về xu hướng phát triển chung của ngành. Ông Đàm Hoàng Phúc thuyết trình tại hội thảo Trong tham luận này, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc đã chỉ ra rằng hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang đối mặt với ô nhiễm không khí. Theo đó, nồng độ PM2.5 trung bình năm của Việt Nam khoảng 24,7 μg/m3, cao gấp 5 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo ông Phúc, giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Trong khi đó, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng nhanh khiến lượng phát thải ngày càng cao Ông Phúc cho rằng, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm phát thải cho ngành giao thông vận tải. “Việc điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giảm đến 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030” - ông Phúc chia sẻ.
Bên cạnh việc phân tích xu hướng phát triển trên thế giới và tại Việt Nam, hội thảo cũng mang đến những cái nhìn tổng quan về nguyện vọng, mong muốn và hiểu biết của người tiêu dùng.
Trong bài tham luận với chủ đề “Tăng trưởng xanh - góc nhìn từ người dùng Cốc Cốc”, ông Cường Nguyễn – Giám đốc Ngành hàng Công ty TNHH Cốc Cốc chỉ ra rằng hầu hết người dùng trình duyệt Cốc Cốc đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và hơn 50% người dùng kỳ vọng các hãng xe sẽ sản xuất nhiều loại xe giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải môi trường hơn. Tuy nhiên nhiều người dùng cũng có lo ngại về một số vấn đề như giá xe sẽ tăng và hệ thống cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng tốt việc sử dụng các loại xe mới.
Những số hiệu thể hiện mức độ quan tâm của người dùng Cốc Cốc về các chủ đề liên quan tới xe hơi Với mong muốn giảm phát thải từ xe hơi để bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các hãng ô tô, đặc biệt là các thành viên VAMA – VIVA không ngừng cải tiến, ra mắt các mẫu xe mới với các công nghệ thân thiện với môi trường. Là một trong những thành viên tích cực của VIVA, Audi luôn nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh của riêng mình. Những mẫu xe điện thuần đã và đang được ra mắt tại thị trường Việt Nam trong 2 năm qua Tham gia hội thảo này, ông Laurent Genet - Tổng Giám đốc Nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam đã trình bày tham luận với nội dung “Kỳ vọng xe điện góp phần giảm phát thải và bảo vệ môi trường”. Ông cho biết, tất cả những sản phẩm hiện có cũng như xuất hiện trong tương lai gần của hãng xe này đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhà máy Neckarsulm của Audi tại Đức đã đạt mục tiêu carbon trung tính
Cũng tại buổi hội thảo, ông Đỗ Tú Cường - Quản lý Cao cấp, bộ phận Sản phẩm của Mercedes-Benz Việt Nam trình bày tham luận đề cập đến “Các sáng kiến xanh của Mercedes-Benz góp phần giảm lượng khí thải vì môi trường và phát triển bền vững”.
Những mẫu xe điện đã và đang được Mercedes ra mắt trong 2 năm trở lại đây
Với các giải pháp được đưa ra từ những nghiên cứu, chế tạo một cách nghiêm túc bởi đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trong chế tạo xe điện, Mercedes – Benz cho biết đến năm 2025, khách hàng sẽ hoàn toàn có thể có “một giải pháp thay thế” – chọn một mẫu ô tô điện trong các dòng sản phẩm mà hãng giới thiệu ra thị trường. Theo đó, trong các phân khúc từ SUV đến Sedan hay mẫu xe siêu sang Mercedes – Maybach, hãng đều đã có lộ trình sản xuất xe điện và ra mắt thị trường trong thời gian tới.
3 nền tảng xe điện của Mercedes kể từ nay tới năm 2025
Thị trường phản hồi tốt, người tiêu dùng ngày càng quan tâm và có xu hướng muốn sử dụng xe chạy điện thay vì xe chạy bằng nhiên liệu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cũng như các vấn đề về cung ứng dịch vụ hỗ trợ . Trong tham luận “Hạ tầng sạc điện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Thanh Trung Hiếu - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Thiết bị & Giải pháp EV1 chỉ ra những nhu cầu của người tiêu dùng và của thị trường trong nước đồng thời nêu rõ những việc nên làm và phải làm cho tất cả các bên liên quan, từ người dùng đến chủ sở hữu các hệ thống cung cấp trạm sạc; sự phối hợp mang tính đa chiều nhưng đồng bộ của các bên, từ nhà sản xuất xe đến các bên cung cấp dịch vụ tài chính, công nghệ và quản lý.
Biểu đồ so sánh tổng doanh số theo năm của toàn thị trường ô tô Việt Nam trong 2020, 2021 và dự đoán cho năm 2022 Trong thời gian gần 3 tiếng của hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận được đưa ra xoay quanh việc làm thế nào để hướng đến sự phát triển bền vững, vì môi trường trong lĩnh vực ô tô nói chung. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp, kinh nghiệm từ những bài học, những phương pháp mà một số quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện. Chính vì vậy, các hãng xe không ngừng nghiên cứu, cải tiến trên cơ sở lắng nghe và tiếp thu ý kiến người tiêu dùng để mang đến những công nghệ tiên tiến nhất trong việc giảm phát thải ra môi trường nhưng vẫn tiện lợi cho người sử dụng. Biểu đồ dự đoán sự phát triển của thị trường ô tô điện tại Việt Nam từ nay tới 2026. Hiện VinFast đang dẫn đầu về thị phần, nhưng các hãng xe khác được dự đoán sẽ sớm bắt kịp với những kế hoạch điện hoá toàn cầu. Tổng doanh số của thị trường ô tô điện tại Việt Nam dự kiến đạt hơn 150.000 chiếc vào năm 2026. Có thể thấy, các chia sẻ, thảo luận tại hội thảo nhằm tìm ra định hướng, giải pháp cho các đơn vị liên quan nói riêng và cho sự phát triển của ngành nói chung. Hội thảo cũng đã tạo ra một môi trường kết nối trực tiếp các hãng xe, các đơn vị trưng bày với các chuyên gia và người tiêu dùng. Thông qua hội thảo này, một lần nữa cho thấy các thành viên VAMA và VIVA luôn tìm được tiếng nói chung trong sự phát triển bền vững, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường sống của cộng đồng, phù hợp với xu thế của Thế giới.