Tin mới
Người Việt vẫn thi nhau mua mô tô xe máy trong quý 2/2022 dù “cháy hàng” và giá đội cao
Nếu so với cùng kỳ 2021, tổng doanh số bán ra của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) chỉ giảm 1,79%, bất chấp tình trạng "khan hàng" do thiếu linh kiện sản xuất.
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), bao gồm 5 thành viên là Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Việt Nam Suzuki, Công ty SYM Việt Nam và Công ty Yamaha Motor Việt Nam cùng công bố doanh số bán hàng Quý 2 năm 2022 (tính từ tháng 04 năm 2022 đến hết tháng 06 năm 2022) là 655,433 xe, giảm 1,79% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so với quý 1/2022, con số này cũng giảm tới 13,36%, từ mức 756.571 xe.
Cần lưu ý rằng vẫn còn nhiều thương hiệu mô tô, xe máy khác ngoài khối VAMM không công bố số liệu kinh doanh. Nhưng nếu so với Hiệp hội, doanh số của các hãng xe này có thể nói là chiếm phần không đáng kể. Chính vì vậy số liệu từ VAMM là đủ để đại diện cho kết quả kinh doanh của thị trường xe máy Việt Nam. Trong khi tổng doanh số bán hàng quý 1/2022 đã cho thấy sức hồi phục mạnh mẽ của thị trường xe 2 bánh sau đại dịch COVID-19 thì với quý 2, những hệ quả liên quan đã bộc lộ rõ.
Do bị ảnh hưởng bởi những chỉ thị giãn cách phòng chống dịch và nhiều biến động của tình hình kinh tế chính trị Thế giới, tình trạng thiếu linh kiện sản xuất đã không chỉ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô mà cả xe máy. Cùng với nhu cầu mua xe để phục vụ di chuyển và công việc của người dân tăng lên sau thời kỳ giãn cách, nguồn xe dự trữ đã dần cạn kiệt. Cung không đủ cầu và chi phí sản xuất tăng liên quan tới tình trạng thiếu linh kiện, một số hãng xe lớn như Honda hay Yamaha đã có những động thái điều chỉnh giá bán theo chiều hướng tăng.
Và đó mới chỉ là sự tăng giá tới từ nhà sản xuất còn trên thực tế tại những đại lý bán xe uỷ quyền, tình trạng đội giá của nhiều dòng xe "hot" được khách hàng ưa chuộng càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Một ví dụ đó là mẫu xe tay ga Honda Vision, vốn có giá niêm yết từ 30-34 triệu đồng. Hồi đầu năm, giá của dòng xe này tại các HEAD (đại lý uỷ quyền Honda) mới chỉ chênh khoảng 5 triệu đồng. Nhưng tới thời điểm đầu Hè vừa qua, một số HEAD đã được ghi nhận bán mẫu xe này lên tới 60 triệu đồng. Và dù đội giá cao, nhưng không ít HEAD cũng lâm vào cảnh không có xe để bán cho khách hàng.
Cảnh "cháy hàng" cũng diễn ra ở nhiều thương hiệu mô tô phân khối lớn với các dòng xe bán chạy, khi tư vấn viên bán hàng còn không dám nhận cọc vì không bảo đảm được thời điểm xe mới tiếp tục được nhập về với khách hàng. So với các hãng xe máy có dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam, những thương hiệu này còn ở thế bị động hơn vì nhà máy còn phải ưu tiên xuất xe cho các thị trường khác trên Thế giới.
Ở thời điểm hiện tại dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng "cơn sốt" linh kiện và chất bán dẫn trên Thế giới đang dần có dấu hiệu hạ nhiệt. Cộng với việc quý 3 năm ngoái rơi vào thời điểm giãn cách xã hội, dự kiến lượng bán của thị trường xe máy Việt trong quý 3/2022 sẽ vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên nếu so sánh với quý 2/2022 doanh số bán xe máy có thể sẽ không tăng mạnh.