Tin mới
Kia Sportage Luxury cạnh tranh Hyundai Tucson tiêu chuẩn, “gà cùng một mẹ” nhưng giá chênh gần 75 triệu đồng
Kia Sportage và Hyundai Tucson là hai mẫu SUV cùng phân khúc và chia sẻ chung nền tảng với nhau nhưng giá lại chênh lệch tương đối nhiều, đâu mới là sự lựa chọn phù hợp?
Kia Sportage thế hệ mới ra mắt tại Việt Nam trở thành một đối thủ nặng ký, gây sức ép lên các mẫu xe trong phân khúc SUV hạng C như Mazda CX-5, Honda CR-V, MG HS hay đặc biệt hơn là “người anh em” Hyundai Tucson trong tầm giá giao động từ 800 triệu - 1 tỷ đồng.
Trong bài viết này tập trung so sánh những khác biệt trên cả Kia Sportage và Hyundai Tucson ở hai phiên bản thấp nhất để khách hàng có góc nhìn trực quan và dễ dàng hơn trong việc lựa chọn mẫu xe phù hợp với cá nhân và gia đình.
Thiết kế hiện đại, ngoại hình thể thao
Mặc dù tùy gu thẩm mỹ khác nhau nhưng không thể phủ nhận cả Hyundai Tucson và Kia Sportage đều là hai mẫu xe có thiết kế thể thao, ấn tượng và có thể gọi là sự đổi mới của cả hai thương hiệu trên.
Sportage mang triết lý thiết kế mới của Kia có tên gọi “Opposite United” với ngoại hình phá cách, cuốn hút bởi bộ lưới tản nhiệt cỡ lớn ôm trọn phần đầu xe trong khi DNA “mũi hỗ” đã được làm nhỏ lại đáng kể. Hyundai Tucson cũng lôi cuốn không kém với triết lý thiết kế “Sensuous Sportiness” mới, có bộ lưới tản nhiệt cũng to không kém và được làm đồng bộ với cụm đèn định vị ban ngày. Cụm đèn trước của cả hai xe sử dụng bóng halogen thay vì LED trên các phiên bản cao hơn, mặc dù có phần kém thẩm mỹ nhưng giúp góp phần làm giảm giá thành sản phẩm.
Nhìn từ bên phần thân xe, Sportage Luxury gây ấn tượng mạnh mẽ với bộ mâm 19 inch tạo hình lưỡi cưa sống động trong khi Tucson tiêu chuẩn (TC) chỉ được trang bị bộ mâm sơn bạc đa chấu kích thước nhỏ. Điều này góp phần làm Tucson TC trông sẽ “yếu” và kém thu hút hơn so với đối thủ của Kia.
Phần đuôi xe của cả hai mẫu xe trên đều nổi bật với thiết kế đèn LED hiện đại. Nếu như Tucson có thiết kế dạng răng nanh phá cách hơn thì Sportage lại mang sự tinh tế và sắc xảo.
Nhìn chung ở tổng thể thiết kế bên ngoài, cả hai mẫu xe trên đều rất ấn tượng và thời thượng nhưng Sportage Luxury trông thể thao và khỏe khoắn hơn nhờ trang bị bộ mâm 19 inch tương tự như các phiên bản khác. Đây cũng là một điểm cộng trong cách làm của THACO đối với dòng xe này.
Nội thất tinh tế, trang bị cao cấp
Về thiết kế tổng thể chung, cả Tucson TC và Sportage Luxury đều mang một thiết kế mới và có phần phong cách hơn so với trước đây. Thiết kế này phần lớn sẽ được ưa chuộng bởi giới trẻ và những người năng động.
Đi vào chi tiết, Sportage Luxury trang bị màn hình trung tâm cỡ lớn có kích thước 12,3 inch trong khi Hyundai Tucson TC chỉ có màn hình 10,25 inch. Thiết kế trên Sportage Luxury trở nên liền lạc và xuất sắc hơn nhờ vào việc kết hợp cụm màn hình cong lớn bao gồm cả bảng đồng hồ so với việc thiết kế đơn lẻ như trên Tucson TC. So với việc trang bị bảng đồng hồ cơ lạc hậu trên Tucson TC thì THACO rất ưu ái khi trang bị cả bảng đồng hồ điện tử Digital Segment cho Sportage Luxury mặc dù đây chỉ là phiên bản giá thấp nhất.
Hệ thống thông tin giải trí, tiện nghi trên cả hai mẫu xe trên thuộc dạng cơ bản với 6 loa thường, ghế lái chỉnh điện và không có nhớ vị trí ghế trong khi ghế phụ chỉnh cơ. Các tính năng, trang bị khác như cửa sổ trời, sưởi/làm mát ghế, vô lăng đều bị cắt giảm.
Vì đều là hai phiên bản có giá bán rẻ nhất nên cả hai mẫu xe trên đều bị cắt hàng loạt các tính năng khiến cho khu vực điều khiển trung tâm có quá nhiều nút bấm trống (không chức năng) và làm mất thẩm mỹ. Ngoài ra, cả hai đều sử dụng cần số dạng tay cầm thay vì dạng núm xoay hoặc nút bấm như trên các phiên bản cao hơn.
Mặc dù có kích thước tổng thể nhỉnh hơn đôi chút nhưng chiều dài cơ sở của cả Hyundai Tucson và Kia Sportage đều bằng nhau với 2.755mm. Nhờ thiết kế hàng ghế thứ hai có khả năng ngả lưng tốt nên nhìn chung ở hàng ghế sau trên cả hai sản phẩm này thoải mái ở không gian và tư thế ngồi.
Khả năng vận hành vừa đủ
Về hệ động lực, Tucson TC và Sportage Luxury đều trang bị chung động cơ xăng Smartstream 2.0L và hệ dẫn động cầu trước đi kèm với loại hộp số tự động 6 cấp nên về mặt sức mạnh, cả hai gần như tương đồng nhau.
Tuy nhiên, đi sâu vào hệ thống treo, Kia Sportage đã có được sự tinh chỉnh ở treo trước McPherson và treo sau Đa liên kết giúp cho xe đỡ xóc hơn rất nhiều. Cách dập tắt dao động khi đi qua gờ giảm tốc và ổ gà, sỏi đá được triệt để và chắc chắn hơn. Trong khi đó, hệ thống treo trên Tucson có phần tương đối cứng, chính vì vậy mà người ngồi bên trong sẽ tương đối khó chịu khi đi vào đường xấu nhưng điều đó cũng là giảm thiểu sự bồng bềnh trong xe.
Mặc dù được trang bị tới 4 chế độ lái khác nhau nhưng sự khác biệt giữa các chế độ lái trên Tucson TC và Sportage Luxury là không nhiều. Chính vì vậy, hai chế độ Eco và Normal có lẽ là tối ưu nhất khi sử dụng trên khối động cơ có công suất không quá ấn tượng trên.
Về khả năng chở tải, dĩ nhiên cả hai đều đáp ứng tốt nhu cầu chở 5 người và đủ hành lý phía sau để di chuyển trong phố hoặc các chuyến đi du lịch xa. Nhưng để cần một cảm xúc lái ấn tượng, vượt trội hơn thì Tucson TC và Sportage Luxury không thể làm được, thậm chí việc bứt tốc quá nhanh hoặc đạp thốc ga cũng có thể khiến động cơ “gào” lên khá nhiều.
Công nghệ an toàn tiêu chuẩn
Về các trang bị an toàn, cả hai mẫu xe đối thủ đều đến từ Hàn Quốc trang bị những tính năng, hệ thống an toàn cơ bản như:
- Hệ thống phanh ABS
- Cân bằng điện tử
- Cruise Control
- Cảm biến sau
- Áp suất lốp
- Camera sau
- 6 túi khí
Để có được những trang bị, tính năng an toàn hỗ trợ người lái cao cấp hơn như Hyundai Smartsense, bắt buộc người dùng phải nâng cấp lên các phiên bản cao hơn.
Kết luận
Khi đặt Hyundai Tucson TC và Kia Sportage Luxury cạnh nhau, cả hai mẫu xe này đều có thiết kế hết sức thu hút và sáng tạo nhưng có lẽ phần lớn sẽ phù hợp hơn với độ tuổi trẻ trung, năng động và cá tính. Mặc dù nhỉnh hơn đôi chút trang bị ở cả trong và ngoài xe nhưng giá thành của Sportage Luxury lại cao hơn đến gần 75 triệu đồng (giá niêm yết).
Nhìn chung, với số tiền chênh quá cao giữa cả hai mẫu xe trên, sự lựa chọn nghiêng về Tucson TC vẫn hợp lý với phần lớn “hầu bao” người tiêu dùng hơn.